[rank_math_breadcrumb]

Roaming và 3 yếu tố gây ảnh hưởng mà kỹ sư mạng phải biết

Roaming là gì?

Một Access Point (AP) chỉ có một vùng phủ sóng nhất định, tùy thuộc vào môi trường, công suất phát, anten mà mỗi AP sẽ có vùng phủ sóng lớn nhỏ và hình dạng khác nhau. Một AP thì hầu như không thể phủ sóng hết một phạm vi rộng lớn, ví dụ như một văn phòng, trường học, khách sạn… Để tăng cường độ phủ sóng cho khu vực sử dụng Wi-Fi, người ta bắt buộc phải lắp đặt thêm AP.

Roaming và 3 yếu tố gây ảnh hưởng kỹ sư mạng phải biết

Roaming (tiếng Việt có nghĩa là Chuyển vùng) là quá trình duy trì kết nối của client, khi client di chuyển từ khu vực phủ sóng của AP1 qua khu vực phủ sóng của AP2 lân cận. Hay nói cách khác, để roaming trong Wi-Fi, các thiết bị phải đạt được hai mục đích :

  • Client phải tự động kết nối với AP gần đó, có chất lượng sóng tốt hơn để đảm bảo trải nghiệm người dùng
  • Phải duy trì được session của người dùng. Ví dụ, nếu người dùng đang gọi một cuộc gọi voice, thì cuộc gọi không được gián đoạn.

Chi tiết về roaming tại :

Những hiểu lầm về roaming

Hiểu lầm đầu tiên đó chính là nhiều người cho rằng AP sẽ điều khiển quá trình roaming. Nhưng thực ra, quyết định khi nào sẽ roaming, kết nối lại AP mới, là do client quyết định. Các thuật toan, kỹ thuật trên hệ thống Wi-Fi chỉ có tác dụng định hướng cho client. Quyết định cuối cùng vẫn là do client. Mỗi một hãng sản xuất sẽ có một thuật toán và tiêu chí riêng để roaming, thông thường, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất là cường độ tín hiệu.

Thứ hai đó là roaming không có tiêu chuẩn hay giao thức chung. Mỗi hãng sẽ có cách roaming riêng. Chỉ có một chuẩn quốc tế duy nhất liên quan đến roaming đó là 802.11r : Fast Roaming để tăng tốc độ roaming khi xác thực 802.1x. Do đó, việc roaming giữa hai AP của hai hãng khác nhau là không thể.

Nhầm lẫn thứ ba là roaming phải có controller. Thực tế, roaming có thể hoặc không cần dùng đến controller, tùy vào mô hình triển khai. Ví dụ, với mô hình Split MAC, roaming bắt buộc phải có controller nhưng với các AP quản lý qua cloud, việc roaming sẽ không liên quan gì đến controller.

Các yếu tố ảnh hưởng đến roaming

Roaming không tốt có hai hiện tượng, một là client không roaming, hai là client roaming quá nhiều và ba là mất kết nối khi roaming.

Client không roaming tức là client có xu hướng giữ kết nối với AP hiện tại càng lâu càng tốt, dù bạn đã di chuyển rất sâu vào khu vực  phủ sóng của AP mới. Hiện tượng này gọi là “Sticky Client”. Nếu bạn đã đứng rất gần AP mới, nhưng trên điện thoại hiển thị sóng rất yếu, tốc độ rất chậm thì xin “chúc mừng”, bạn đang có một “sticky client”.

Nguyên nhân của sticky client có thể là do :

  • Vấn đề với client : client cũ, cấu hình trên client
  • Thiết kế không tốt

Với các vấn đề trên client, có thể nâng cấp firmware của client, hoặc kiểm tra chế độ roaming của client.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, chúng ta lên AP hoặc controller, cấu hình tắt các chuẩn tốc độ thấp đi. Khi client di chuyển ra xa AP1, client và AP sẽ thỏa thuận sử dụng các chuẩn tốc độ thấp để truyền dữ liệu. Nếu chúng ta tắt đi, client và AP không thể sử dụng được nữa, buộc client phải roaming qua AP2.

Vùng chồng lấn quá nhiều cũng dẫn đến sticky client. Trong trường hợp này, bạn cần giảm công suất phát của AP lại, để giữ vùng chồng lấn giữa hai AP vừa đủ.

Client roaming quá nhiều cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, do client liên tục ngắt kết nối và kết nối lại, làm tăng delay và tỉ lệ mất gói của quá trình truyền dữ liệu.

Roaming quá nhiều thường do cấu hình “Roaming Aggressiveness” trên client. Các giải quyết đơn giản chỉ là giảm thông số này lại là được.

Roaming và 3 yếu tố gây ảnh hưởng kỹ sư mạng phải biết

Vấn đề thứ ba là mất kết nối khi roaming. Điều này do hai nguyên nhân : vùng chồng lấn quá ít và quá trình roaming quá chậm. Nếu vùng chồng lấn quá ít, client sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm AP phù hợp. Khi tín hiệu với AP hiện tại quá yếu mà client vẫn chưa tìm được AP mới để roaming qua thì mất kết nối là điều hiển nhiên.  Về nguyên nhân thứ hai, xác thực ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình roaming, nhất là 802.1x. Nếu bạn đang dùng 802.1x, nên bật 802.11r để tăng tốc độ xác thực và giảm thời gian roaming. Cuối cùng, nếu vùng chồng lấn đủ và bạn không dùng 802.1x (tức là chỉ xác thực bằng mật khẩu hoặc wifi mở) mà roaming vẫn bị rớt session thì bạn nên thay hãng Wi-Fi khác.

Tổng kết

Roaming là vấn đề vô cùng quan trọng trong một hệ thống mạng Wi-Fi. Roaming tốt sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng rất nhiều. Tuy nhiên để có được điều đó, một thiết kế tốt ngay từ ban đầu là điều vô cùng quan trọng. Một thiết kế tốt sẽ giúp bạn tránh được hầu hết các vấn đề sau này.

Tác giả

Thông tin tác giả và Ruijie Networks

Nguyễn Phú Thịnh (Kai Nguyen) hiện đang là Giám đốc kỹ thuật của Ruijie Networks Việt Nam, và cũng đang giảng dạy tại trung tâm VNPRO, với các chuyên đề Wireless, Security, Routing & Switching.

Ruijie Networks là một trong những hãng sản xuất thiết bị mạng cấp doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện Ruijie Networks có 6 trung tâm R&D tại Trung Quốc, đã có mặt trên 50 quốc gia và có hơn 250,000 đối tác, trong đó có các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, Nga. Theo Gartner Magic Quadrant (quý 3-2019), Ruijie đã trở thành nhà cung cấp thứ 5 toàn cầu, trong Phân khúc thị trường WLAN và Switch cấp doanh nghiệp (10 / 25Gbps). Trong báo cáo MQ, Gartner cũng nhận xét sức mạnh của Ruijie về việc cung cấp dịch vụ Ruijie Cloud trong các doanh nghiệp nhỏ: “Giải pháp Wi-Fi Cloud miễn phí không cần license, không giới hạn số lượng thiết bị, và hỗ trợ quản lý cả switch và routers/gateways.” Tại Trung Quốc, theo IDC quý 3-2019, Ruijie hiện là nhà cung cấp số 1 trong thị trường WiFi 6 (chiếm tới 40,66% thị phần), và đứng thứ 3 cho thị trường switch doanh nghiệp.