[rank_math_breadcrumb]

Cách chọn thiết bị phát Wifi hợp lý

Trăn trở

Dạo gần đây mình thấy ngày càng rất nhiều bạn viết bài hỏi cộng đồng về việc chọn mua thiết bị phát wifi và rất băn khoăn về yếu tố kỹ thuật nào để chọn được thiết bị có thể chịu tải được lượng lớn user. Các bình luận trả lời thì hơn 90% thánh phán CPU, RAM, Antenna mà thực sự chả hiểu gì về bản chất thiết bị phát wifi cả, rồi các hero-keyboard cứ thay phiên nhau khuyên mua wifi của Asus, Draytek, Mikrotik, Grandstream cho dự án văn phòng, trà sữa để rồi sóng thì vi vu nhưng chủ đầu tư không thể vu vi được. Hay thậm chí có thánh thì gặp người đang băn khoăn chọn giải pháp lắp đặt cho dự án dân dụng cao cấp như biệt thự liền đi khuyên dùng Aruba, Ruckus dẫn đến việc anh em bỏ số tiền lớn mua thiết bị xong cũng lại bị chủ đầu tư mắng thiết bị cùi sóng yếu.

Hãy thử hình dung khung cảnh về một giảng đường đại học giữa mùa cao điểm. Trong đó người giảng viên đang đứng trên bục giảng để nghe và giải đáp các vấn đề cho sinh viên của mình. Người thầy giáo rất thông thái và tận tâm, mỗi khi lắng nghe hết vấn đề của sinh viên thì sẽ hồi đáp ngay lập tức không chần chừ. Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi các học viên đến lớp ngày càng đông, các sinh viên không thay nhau hỏi lần lượt mà mạnh ai nấy cứ có thắc mắc là hỏi, không muốn chờ tới lượt mình.

Nếu bạn là người thầy, bạn có thể lắng nghe được yêu cầu của mỗi học viên trong một giảng đường mà có hơn 100 người cùng yêu cầu một lúc để hồi đáp lại không?

 

Cách chọn thiết bị phát Wifi hợp lý
Cách chọn thiết bị phát Wifi hợp lý

Tương tự câu chuyện trên, ở wifi khi có quá nhiều thiết bị người dùng đồng thời truy cập để tải dữ liệu, những thiết bị đó cũng tương tự như các sinh viên ngồi trong giảng đường cùng lúc tranh nhau đưa ra vấn đề của mình cùng một lúc, thiết bị phát wifi – trong vai trò lúc này là giảng viên – đương nhiên sẽ không thể “nghe” được yêu cầu rõ ràng, chỉ toàn tiếng ồn (Noise). Về bản chất, cuộc đối thoại giữa các thiết bị sử dụng sóng Wifi cũng như cuộc đối thoại giữa con người: Hai thiết bị bất kì cùng dãy tần số mà phát ra tín hiệu đồng thời cũng tương tự như hai người lên tiếng cùng lúc không lần lượt trao đổi thì cuối cùng chắc chắn đối phương sẽ không thể nghe hiểu được.

Thật ra vấn đề này hiện hữu khắp mọi ngóc ngách trong lĩnh vực mạng, từ dây mạng cho đến cáp quang, 3G, 4G. Nhưng ở mỗi công nghệ truyền dẫn từ người ta đều đưa ra các giao thức xử lý phù hợp và ngày càng tiên tiến hơn để vừa nâng cao độ trễ, vừa tăng băng thông cho kết nối.

Lịch sử

Vậy quay trở lại câu hỏi cốt lõi: tại sao các thiết bị wifi tuy tiện lợi, phổ biến nhưng lại “cùi bắp” đến như vậy, mãi không cải tiến được? Để trả lời câu hỏi này ta phải nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của các công nghệ một chút (nếu bạn không muốn nghe dài dòng về các công nghệ cũ kĩ thì hãy lướt qua phần này):

– Ngày xưa lúc các máy tính vừa ra đời không lâu, còn là thứ xa xỉ và muốn trao đổi dữ liệu thì phải lưu rồi gửi đi thông qua cái đĩa mềm hình vuông ấy. Nhu cầu trao đổi dữ liệu qua kết nối dây cáp đồng trục bắt đầu xuất hiện. và ngay từ đầu để giải quyết vấn đề này thì người ta đã đưa ra giao thức CSMA/CD (Carrier-sense multiple access with collision detection). Nôm na là khi thiết bị cảm nhận thấy đường truyền đang được đối phương chuyển dữ liệu thì sẽ không truyền mà chờ đến khi đường truyền hết bận mới bắt đầu truyền. Và công nghệ này phát triển từ cáp đồng trục cho đến hiện tại dây mạng RJ45, cáp quang ngày nay.

– Đối với viễn thông, để giải quyết vấn đề nhiều thiết bị có thể truyền dữ liệu tốt thì người ta sinh ra giao thức TDMA (Time-division multiple access), trong đó mỗi thiết bị điện thoại sẽ chỉ được truyền dữ liệu trong một thời điểm nhất định (cũng như trường hợp lớp học trên, thầy giáo sẽ yêu cầu mỗi học sinh phải nói theo thứ tự, chỉ có 10 giây để nói về thắc mắc của mình và cũng chỉ để10 giây giải đáp, hết lượt của mình thì chờ quay lại nói tiếp. Đó là lý do vì sao các bạn thấy dù cũng là sóng nhưng các trạm BTS (cột phát sóng nhà mạng vịt teo hay mô bi phôn ấy) có thể đáp ứng hàng trăm điện thoại truy cập mạng… Vì ngay từ đầu tạo ra công nghệ này người ta đã ưu tiên lưu ý việc nhiều thiết bị truy cập vào một điểm phát rồi.

Riêng với công nghệ Wifi, ban đầu nó sinh ra trong phòng lab với mục đích tạo ra giao thức kết nối truyền dữ liệu lớn giữa chỉ một vài thiết bị máy tính. Do nhu cầu bùng nổ hơn dự kiến, công nghệ máy tính xách tay ra đời cùng thời điểm nên các hãng tranh nhau sản xuất thiết bị đầu cuối dựa trên nền tảng truyền dẫn non trẻ này để phục vụ người dùng. Và do những người phát triển ra giao thức truyền dẫn này chưa lường trước được công nghệ mình sẽ phát triển phổ biến như vậy và nhu cầu mỗi người có 2-3 thiết bị là bình thường (thời xưa 100 hộ gia đình chưa chắc tới 1 hộ có được máy tính xách tay chứ đừng nói điện thoại truy cập wifi), giao thức chống đụng độ cũng không phục vụ cho việc truy cập số lượng lớn thiết bị (CSMA/CA). Khi phát triển lâu dài, trải qua các chuẩn ngày càng được cải tiến mà ta từng biết như 802.11a, b, g, n, ac nhưng cốt lõi vấn đề vẫn còn đó. Không phải vì không thể khắc phục mà nằm ở việc kinh doanh, việc tạo ra một thiết bị có giao thức mới đáp ứng nhu cầu kết nối nhiều thiết bị và vửa tương thích được với các thiết bị đầu cuối đang sử dụng công nghệ cũ không phải dễ, chưa kể việc băng thông ngày càng phải tăng cao để đáp ứng nhu cầu khách hàng đã trở thành thách thức bất khả thi có thể thay đổi kéo dài gần 2 thập kỉ. Mãi đến khi chuẩn 802.11ax (hay còn gọi là Wifi 6) ra đời thì vấn đề này xem như mới có hướng giải quyết. Wifi 6 sử dụng giao thức OFDMA tương tự mạng 4G chúng ta đang dùng vậy. Mặc dù phải mất vài năm tính từ thời điểm này thì wifi 6 mới có thể hiện hữu trên tất cả thiết bị đầu cuối nhưng ít nhất nó sẽ không dặm chân tại chỗ.

Một số thông tin hữu ích

Quay lại thời điểm hiện tại, để khắc phục điểm yếu của wifi các hãng sản xuất đã cố gắng phát triển cho thiết bị phát của mình các tính năng hỗ trợ, mỗi hãng mỗi cách và đều nhắm vào phân khúc enterprise vì đây được coi là nơi tập trung các đại gia sẵn sàng chi vài nghìn USD cho mỗi thiết bị phát wifi trong văn phòng nơi có khi cần lắp đặt hàng trăm con wifi phục vụ nhu cầu dữ liệu cho doanh nghiệp. Để kể đến có vài tên hãng nổi trội như cho các phân khúc nhỏ như Ubiquiti, Open Mesh, tầm trung thì có Ruckus, Aruba và tầm cao thì lại có Cisco Aironet, Xirrus (Lưu ý mình chỉ nêu ra thị phần điển hình ở vn hay nhìn nhận chứ mỗi hãng trên đều có các sản phẩm cho đủ phân khúc cao thấp). Mỗi hãng đều có tiêu chí riêng để đánh vào phân khúc họ muốn, chẳng hạn unifi tập trung vào nhu cầu thẩm mỹ, số lượng truy cập không quá lớn và dễ cấu hình quản lý và kiểm soát thiết bị phát, ứng dụng người dùng. Asus thì ra mắt thiết bị hầm hố, băng thông siêu cao và được tối ưu sẵn QoS để phục vụ mục tiêu không delay khi đang combat cho các game thủ chân chính trong khi tivi vẫn phát được phim Bluray mượt mà. Để dễ thấy nhất thì cứ thử dùng con Asus GT-AC5300 so sánh với Aruba 345 là thấy, nhưng khi đem ra vào văn phòng thì ngược lại).

Thiết bị phù hợp chỉ chiếm 60% yếu tố quyết định hiệu năng của một mạng wifi, 40% còn lại là kiến thức kinh nghiệm của người thiết kế hệ thống. Một môi trường ít người truy cập, được đầu tư kinh phí đắt tiền cũng thường xuyên gặp tình trạng treo, chậm. Lý do thường cũng là nhiễu (Noise). Nhiễu có thể đến từ các yếu tố sau: Âm thanh môi trường quá lớn như quán bar, karaoke (vâng, âm thanh tuy không cùng tần số nhưng nếu bạn là người dày dạn kinh nghiệm thì sẽ thấy điều này đôi khi lại xảy ra). Nhiệt độ môi trường (đối với các trạm sóng wifi điểm-điểm trên 5-10km thì sẽ thấy rõ chênh lệch hiệu năng thậm chí đôi khi mất tín hiệu giữa ngày và đêm, nhất là khu vực ban ngày nắng nóng ban đêm lạnh). Sóng wifi trùng lập, nhiễu lẫn nhau (thường thấy),…

Một người thi công dày dạn kinh nghiệm khi lắp đặt sẽ khảo sát kĩ và khi mạng chậm sẽ cố dành thời gian tìm hiểu nguyên do để từ đó cải thiện. Trong khi mình thường thấy tình trạng khi chủ đầu tư dùng được vài tháng cảm thấy mạng chậm, kêu một bên khác vào giải quyết thì: “Bên nào mà ác vậy anh, làm không có tâm… Anh xài mấy con này hỏi sao không chậm… Mấy hàng này anh bị thuốc rồi, dùng của hãng xyz mới ngon….” để rồi yêu cầu thay toàn bộ wifi, đổi mới router, nâng cấp băng thông, kéo thêm dây điện bỏ PoE và thậm chí cả dây mạng cũng không tha cốt để moi tiền khách hàng. Trong khi các anh em chân chính nhập bán hàng bãi chất lượng tốt bảo hành 1 đổi 1 thì mang tiếng bán hàng cùi, cũ, lừa đảo. Nhưng thôi thị trường là vậy, chi tiền dù nhiều hay ít nhưng thiếu khôn ngoan thì cũng như đốt tiền mà thôi, mua hàng mới mà chọn sai đội tư vấn cũng chả khác gì cả.

Cuối cùng: Bài viết đã cố gắng lược bỏ bớt các yếu tố công nghệ riêng biệt của các hãng, có giao thức liên quan khác để tập trung vào những yếu tố cơ bản nhất để cả những người không có kiến thức chuyên sâu cũng có thể hiểu được. Hi vọng các bạn có được góc nhìn đúng đắn hơn trong việc tư vấn, chọn mua thiết bị wifi phù hợp cho thời điểm hiện tại. (Mình không kinh doanh gì về mảng này cả nhé)

Về tác giả

Bài viết của tác giả Nam Đặng trên Group Cộng đồng công nghệ wifi

Link gốc: https://www.facebook.com/groups/vntik/permalink/3440038719385790/